Vấn đề diễn biến sau khi chết Chết

Một vấn đề được đặt ra là, không kể sự chấm dứt các quá trình chuyển hóa và sự bắt đầu các tiến trình phân hủy xác, điều gì sẽ xảy ra, nhất là đối với con người, trong và sau khi chết? Chủ đề được đặc biệt quan tâm là ý thứclinh hồn; những câu hỏi vốn "xưa như Trái Đất". Niềm tin vào một cái gì đó tiếp tục sau khi chết cũng phổ biến từ xưa, chẳng hạn một thế giới của người chết (âm ty, âm phủ, cõi âm), hoặc tái sinh, đầu thai vào kiếp sau. Những người theo chủ nghĩa vô thần hoặc thuyết bất khả tri thì tin rằng cái chết đặt dấu chấm hết cho ý thức, bản thân cái chết ("kiếp sau") xét cho cùng cũng chính là sự trải nghiệm về những gì có trước thụ thai ("kiếp trước")(?). Trái lại, niềm tin tôn giáo và những thông tin về sự sống sau khi chết là sự an ủi có liên hệ tới cái chết của những người thân yêu và viễn ảnh về cái chết của chính bản thân mỗi người. Mặc khác, nỗi lo sợ về địa ngục cũng như những hệ quả đen tối khác cũng khiến cho cái chết trở nên quái ác hơn. Nỗi ưu tư của con người về cái chết cũng là một động lực quan trọng cho sự phát triển của các tôn giáo.

Tập tục của hầu hết các nền văn hóa là khóc thương những người thân yêu đã chết. Nhiều nhà khảo cổ cho rằng việc chôn cất cẩn thận của người Homo neanderthalensis, với những xác chết được trang điểm bằng đất son và xếp cẩn thận trong hang là bằng chứng của những tang lễ có nghi thức. Mở rộng ra, điều này có thể cho thấy trong các tín ngưỡng ban sơ của con người đã có cả những ý niệm về kiếp sau.

Những hệ quả về sinh lý học của sự chết ở người

Đối với cơ thể người, những hệ quả sinh lý của sự chết là một chuỗi những biến đổi: sớm như trương phình lên, sau đó là sự phân rã, tiếp theo là những biến đổi sau phân rã, cuối cùng, chỉ có bộ xương là tồn tại lâu nhất.

Những biến đổi của giai đoạn ngay sau khi chết nhận được sự chú ý nhiều nhất vì hai lý do - thứ nhất đó là giai đoạn được người sống nhìn thấy nhiều nhất và thứ nhì là bởi những nghiên cứu pháp y trong các nghi án.

Giai đoạn sớm sau khi chết (15–120 phút tùy nhiều yếu tố), xác trở nên mát lạnh (mát lạnh tử thi - algor mortis), trở nên tái nhạt (tái nhạt tử thi - pallor mortis), các cơ vòng giãn ra, dẫn đến việc tống xuất nước tiểu, phân, những gì chứa trong dạ dày cũng trôi ra ngoài nếu xác bị di chuyển. Máu dồn xuống tạo thành các hồ ở phần thấp của xác (theo trọng lực) gọi là hồ máu tử thi (livor mortis) trong vòng 30 phút và bắt đầu đông lại. Các cơ co lại tạo nên co cứng tử thi (rigor mortis) với đỉnh điểm là 12 giờ sau khi chết và kết thúc 24 giờ sau khi hình thành, tùy vào nhiệt độ môi trường. Trong vòng một ngày, bắt đầu có các dấu hiệu phân hủy (phân rã), cả do cơ chế tự hủy lẫn do sự tấn công của vi sinh vật, nấm, côn trùng, thú vật v.v. Bên trong cơ thể, các cấu trúc bắt đầu sụp đổ, da mất sự liên kết với các mô bên dưới, hoạt động của vi khuẩn sẽ sinh hơi và khiến xác sưng, phình ra.

Không có một yếu tố xác định cụ thể cho tốc độ phân hủy sau khi chết; một xác chết có thể chỉ còn bộ xương sau vài ngày hoặc còn gần như nguyên vẹn sau hàng nghìn năm.

Việc xử lý xác người chết

Một con kền kền đang xử lý xác chếtĐàn kền kền đang xử lý cái xác được thiên táng

Trong hầu hết các nền văn hóa, trước khi kịp bắt đầu phân hủy, xác người chết đã được thực hiện một số nghi thức tống táng, thông thường nhất là hỏa thiêu hoặc chôn trong mộ (thường là trong một hố đào vào lòng đất gọi là huyệt mộ), ngoài ra còn táng trong quách, hầm mộ, mộ đá, hoặc tiểu đựng xương. Mộ rất đa dạng, từ đơn giản như một gò, ụ đất đến vô số các kiến trúc lăng tẩm khác trên mặt đất (như lăng mộ Taj Mahal).

Tây Tạng, có một phương pháp gọi là lộ thiên táng hoặc điểu táng, đem xác người chết đặt trên núi cao để làm mồi cho các loài chim ăn thịt. Đôi khi điều này do các quan điểm tôn giáo cho rằng chim ăn mồi sẽ chuyên chở linh hồn về chốn thiên đường, nhưng cũng có khi chỉ đơn giản phản ánh một thực tế là đất đai Tây Tạng quá cứng khó đào chôn, cây cối cũng không nhiều để làm củi thiêu xác và theo tôn giáo tại đó (Phật giáo) thì sau khi chết, xác người chỉ là một cái vỏ rỗng không, không để làm gì nữa, có thể cho thú vật làm thức ăn. Mặt khác, ở một số nền văn hóa khác, người ta lại cố gắng làm chậm quá trình phân hủy của xác trước tang lễ (thậm chí có thể làm chậm quá trình phân hủy sau khi chôn cất), ướp xác hoặc tạo các mô mi. Nhiều nền văn hóa khác nhau có nhiều tập quán mai táng khác nhau. Trong một số các làng chài hoặc lực lượng hải quân, người ta còn thủy táng (đưa xác chết xuống sông hoặc biển). Một số vùng miền núi, người ta treo quan tài lên cây.

Một cách mai táng mới là "mai táng sinh thái". Nó bao gồm sự làm đông xác ở nhiệt độ rất thấp, sau đó tán thành bột bằng cơ chế rung, làm khô ở nhiệt độ lạnh, loại bỏ kim loại, sau cùng là thiêu hủy thành phần bột còn lại, chỉ chiếm khoảng 30% khối lượng cơ thể. Gần đây còn có ý tưởng về "vũ trụ táng": dùng tên lửa đưa một phần tro cốt vào không gian. Nhiều người đã hiến toàn bộ hoặc một phần xác cho khoa học như Einstein. Nhiều trường hợp hiến xác cho các trường y để phục vụ nghiên cứu và giảng dạy môn giải phẫu. Việc mai táng có thể được thực hiện bởi dân làng, hoặc các công ty mai táng chuyên nghiệp, hoặc có sự tham gia của bệnh viện, tổ chức tôn giáo, hội từ thiện v.v. Mồ mả thường được tập hợp trong một khu đất gọi là nghĩa trang (nghĩa địa).

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chết http://www.benbest.com/lifeext/causes.html http://www.britannica.com/science/death http://www.elijahwald.com/origin.html http://www.newsweek.com/docs-change-way-they-think... http://www.snopes.com/science/nailgrow.asp http://rack1.ul.cs.cmu.edu/is/deathtypes http://plato.stanford.edu/entries/death/#2 http://www.who.int/mediacentre/factsheets/fs310/en... http://www.nsc.org/learn/safety-knowledge/Pages/in... http://www.archeo.uw.edu.pl/zalaczniki/upload617.p...